Hạ khô thảo là cây mọc hoang ở vùng rừng núi Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phú), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và một số tỉnh khác như Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum… Bộ phận dùng làm thuốc là bông hoa, thu hái khi nào hoa ngả sang màu nâu, mang về phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.
Theo Đông y, hạ khô thảo vị đắng, cay, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh can hỏa, tán uất kết, tiêu ứ, sáng mắt. Thường dùng để hạ và ổn định huyết áp, ngoài ra còn dùng cho người bị đau mắt hay chảy nước mắt, mụn nhọt, hắc lào, vẩy nến, tiểu tiện ít không thông… Ngày dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc; dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Thành phần hóa học :
Hiện nay hãy còn ít tài liệu nghiên cứu về cây này. Mới chỉ biết rằng cành mang hoa và quả chứa chừng 3.5% muối vô cơ tan trong nước. Trong số muối vô cơ này, 68% là kali clorua, ngoài ra còn thấy một chất có tính chất ancaloit.
Hoạt chất khác chưa rõ, gần đây có tác giả lấy được từ cây Bruneìla vulgaris L. var. lilacìna Nakai (Nhật Bản dược học tạp chí, 1956, 76, 974) hái vào tháng 6 khi ra hoa, chừng 0,56% chất axit ursolic.
Tác dụng dược lý :
Cửu Bảo, Điền Tình Quang và Đảo Thanh Cát (1940, Hòa hán dược dụng thực vật) đã thí nghiệm lấy các muối vô cơ trong nước sắc hạ khô thảo, chế thành thuốc tiêm, tiêm tĩnh mạch thỏ, lập tức thấy huyết áp hạ xuống, vận động hô hấp tăng lên, tác dụng lợi tiểu rõ rệt như các muối kali khác. Do đó suy ra rằng sở dĩ hạ khô thảo có tác dụng là do lượng muối kali khá cao.
Các chất tan trong nước của hạ khô thảo có tác dụng hạ huyết áp lâu dài trên bệnh nhân và làm hết các triệu chứng khó chịu của bệnh cao huyết áp. Tài liệu cổ nói vị hạ khô thảo có tác dụng hạ và ổn định huyết áp, loa lịch (lở loét, tràng nhạc, mụn nhọt, dò ỏ ưên đầu) rất có công hiệu.
Đơn thuốc hạ và ổn định huyết áp
Hạ khô thảo 40g rửa sạch, phơi khô, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày, sau hai bữa cơm. Uống liên tục 10 ngày, nghỉ 7 ngày, rồi uống tiếp tục như thế từ 2 – 4 đợt tuỳ bệnh nặng nhẹ. Hoặc hạ khô thảo, bồ công anh, hạt muồng ngủ sao, mỗi vị 20g; hoa cúc, lá mã đề, mỗi vị 12g, sắc uống. Hoặc đậu đen 50g, hạ khô thảo 30g, đường trắng 20g. Hạ khô thảo đem sắc lấy nước ninh với đậu đen cho nhừ, chia ăn vài lần trong ngày, có tác dụng hạ huyết áp.
An thần, hạ huyết áp, ổn định huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp
Cao khô hạ khô thảo, cao khô huyền sâm, cao khô xa tiền thảo, cao khô hà thủ ô chế, cao khô câu đằng, cao khô táo nhân, mỗi vị 80mg, được bào chế thành 1 viên nang. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3 – 4 viên, mỗi đợt dùng 1 – 2 tháng. Khi huyết áp đã ổn định liều dùng có thể giảm xuống một nửa.
Thông tiểu tiện trong trường hợp biến chứng của tăng huyết áp
Hạ khô thảo 8g, hương phụ 2g, cam thảo 1g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống 5 – 7 ngày.
Hạ khô thảo Bắc khác với loại Hạ khô thảo Nam hay lá Cải trời, Cải ma (Blumea subcapitata DC.) thuộc họ Cúc (Compositae).
Không dùng trong trường hợp vị âm hư, thuốc có tác dụng kích thích đối với niêm mạc dạ dày, cần dùng lâu dài nên kết hợp với các thuốc Đảng sâm, Bạch truật.
Có một số tác giả dùng cho người u giáp và gia Hạ khô thảo trong một số bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, nhưng muốn xác định kết quả cần có sự nghiên cứu thêm.
Chú ý: Không dùng cho phụ nữ có thai.
Theo Tiến Minh