Ý nghĩa của sự khác biệt nhiều giữa trị số huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) và tối thiểu (huyết áp tâm trương) là gì? Sự khác biệt về trị số giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương gọi là áp lực mạch. Ví dụ nếu huyết áp khi đang nghỉ ngơi có trị số là 120/80 milimét thủy ngân (mm Hg) thì áp lực mạch là 40 tức sự chênh lệch giữa 120 và 80. Một số bệnh có thể làm tăng áp lực mạch, ví dụ như bệnh ở van động mạch chủ, thiếu máu nặng và cường tuyến giáp.
Xơ cứng động mạch làm tăng áp lực lên thành mạch- tăng huyết áp
Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất gây tăng áp lực mạch là tình trạng xơ cứng và viêm động mạch chủ, động mạch lớn nhất của cơ thể. Bệnh có thể do cao huyết áp hay có mảng bám mỡ trên thành các động mạch (gây xơ vữa mạc máu). Sự chênh lệch giữa trị số huyết áp tâm thu và trị số huyết áp tâm trương càng lớn thì thành mạch có thể đã xơ cứng và tổn thương càng nhiều. Có bằng chứng cho thấy rằng áp lực mạch có thể là một chỉ số báo hiệu tốt về tình trạng tim, nhất là ở người cao tuổi. Nhưng huyết áp tâm thu là chỉ số báo hiệu tốt nhất đối với những người trên 50. Với những người trên 60, áp lực mạch trên 60 mm Hg là bất thường. Điều trị cao huyết áp thường có thể làm giảm được áp lực mạch.
1. Đang khoẻ mạnh thì không cần quan tâm đến huyết áp?
Cao huyết áp có đặc tính là không gây ra dấu hiệu hay triệu chứng gì, vì vậy người ta mới gọi đó là kẻ giết người thầm lặng. Nếu chỉ căn cứ vào cảm giác khoẻ mạnh để coi là mình có huyết áp bình thường là không đủ. Cách duy nhất để biết có cao huyết áp không là kiểm tra huyết áp. Nhiều nước công nghiệp tỷ lệ cao huyết áp chiếm đến gần một phần ba dân số, ở Mỹ ít nhất có 65 triệu người bị cao huyết áp.
2. Có phải chỉ những người cao tuổi mới lo bị cao huyết áp?
Mặc dầu người có tuổi có nguy cơ bị cao huyết áp lớn hơn nhưng họ không phải là đối tượng duy nhất; cả trẻ em cũng có thể bị cao huyết áp. Đừng cho rằng còn trẻ thì không cần quan tâm kiểm tra định kỳ huyết áp hay cần phải thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc lá hay duy trì cân nặng lành mạnh. Bất cứ ai cũng có thể bị cao huyết áp.
3. Nếu không ăn mặn thì không lo bị cao huyết áp?
Ăn ít muối là một phần quan trọng để kiểm soát huyết áp. Mối người cần ăn dưới 2.4 g muối mỗi ngày, tương đương với một thìa cà phê. Lượng muối như vậy là cho cả ngày, không phải là lượng ăn thêm trong bữa ăn. Đồ hộp dùng cho bữa ăn và các thực phẩm chế biến khác thường có nhiều muối. Cho nên nếu đọc nhãn thực phẩm để biết lượng muối, bạn sẽ ngạc nhiên là mình đã ăn quá quy định.
4. Cao huyết áp chỉ xảy ra ở những người luôn phải sống căng thẳng và có nhiều stress?
Ai cũng có thể bị cao huyết áp dù tính cách như thế nào. Nếu bạn có cuộc sống luôn phải tranh chấp, căng thẳng và lo lắng thì không nhất thiết là bạn sẽ bị cao huyết áp. Ngược lại, dù bạn luôn sống vô tư trầm tĩnh, ung dung tự tại thì cũng không phải sẽ đưọc miễn dịch với bệnh. Kiểm soát stress vẫn là một yếu tố quan trọng vì những hoàn cảnh có nhiều stress có thể làm tăng huyết áp tạm thời; theo thời gian những stress liên tục xảy ra hay đi kèm với tăng huyết áp sẽ gây tổn thương các động mạch, cho tim, não, thận và mắt.
5. Cao huyết áp không được điều trị sẽ gây ra những hậu quả gì?
Thành động mạch chịu áp lực quá tải do cao huyết áp gây ra có thể làm tổn thương nghiêm trọng nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể. Nói chung, huyết áp càng cao hay càng để lâu không kiểm soát thì tổn thương càng lớn. Nếu không biết huyết áp của mình thì cần được thầy thuốc kiểm tra. Có ý thức về huyết áp và biết cần phải làm gì nếu có huyết áp cao sẽ giúp phòng ngừa được các biến chứng nghiêm trọng do huyết áp cao có thể gây ra như đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận, mù loà.
6. Nguyên nhân chính gây cao huyết áp?
Những yếu tố của lối sống như hút thuốc lá, stress… có thể góp phần gây ra cao huyết áp nhưng với hầu hết mọi người thì cao huyết áp không rõ nguyên nhân. Một số yếu tố góp phần gây tăng huyết áp lại không thể kiểm soát được như tuổi tác, chủng tộc, tiền sử gia đình nhưng có thể kiểm soát được nhiều yếu tố nguy cơ khác như béo phì, sử dụng thuốc lá và rượu, ăn mặn hay ít vận động.
7. Nếu là người trưởng thành và không có lịch sử cao huyết áp, định kỳ bao lâu cần được kiểm tra huyết áp?
Nếu huyết áp bình thường, dưới 120/80 mmHg thì cần được kiểm tra huyết áp ít nhất 2 năm 1 lần hoặc mỗi lần gập thầy thuốc theo hẹn. Nếu có tiền sử cao huyết áp hay nếu có bệnh nào đó như tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận thì cần được kiểm tra thường xuyên hơn.
8. Nếu huyết áp luôn tốt khi đo ở nhà nhưng lại luôn cao khi đo tại phòng mạch hay bệnh viện thì có đáng lo không?
Có thể do hội chứng áo choàng trắng tức tăng huyết áp tạm thời mỗi khi gặp thầy thuốc với tâm trạng lo lắng. Thầy thuốc sẽ giúp xác định đó là cao huyết áp chỉ xảy ra khi đi khám bệnh hay có bệnh cao huyết áp thực sự. Tuy huyết áp vẫn bình thường khi đo ở nhà nhưng vẫn nên kiểm tra thường xuyên hơn và vẫn nên theo chế độ kiểm soát huyết áp như thay đổi chế độ ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, thực hành vận động và giảm stress.
9. Nhóm dân số nào có nguy cơ cao nhất bị cao huyết áp?
Người da đen hay những người Mỹ gốc Phi là nhóm dân số có nguy cơ cao nhất bị cao huyết áp; dễ bị từ khi còn trẻ và huyết áp trung bình của họ cũng cao hơn các nhóm chủng tộc khác. Cao huyết áp cũng thường nghiêm trọng và tiến triển nhanh hơn ở người da đen.
10. Nếu cao huyết áp thường gập trong các thành viên gia đình thì bạn cũng sẽ bị cao huyết áp?
Cao huyết áp là bệnh có thể tránh ngay dù có lưu hành trong gia đình. Thường có thể phòng ngừa cao huyết áp bằng những biện pháp sau: duy trì cân nặng hợp lý; luôn có lối sống năng động; ăn nhiều hoa quả và rau; giảm ăn mặn; hạn chế rượu hay bỏ hoàn toàn. Nếu trong gia đình lưu hành bệnh cao huyết áp thì ngay từ bây giờ cần có những bước phòng ngừa để không bị cao huyết áp sau này; hỏi ý kiến thầy thuốc về những việc cần làm để giảm nguy cơ.
Theo Trần Thảo