Đột quỵ xảy quanh năm nhưng khi thay đổi thời tiết gặp nhiều hơn. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong được xếp vào loại thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Theo thống kê thì mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 5 triệu người bị đột quỵ, riêng Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người, trong đó tử vong có khoảng 100.000 người.
Nguyên nhân gây đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng não bị thiếu máu một cách đột ngột do máu đến rất ít hoặc không đến được do hẹp hoặc do tắc nghẽn động mạch não. Khi máu lên não bị thiếu với bất kỳ lý do gì thì các tế bào não bộ sẽ ngưng hoạt động và có thể bị chết trong vài phút, dẫn đến cơ thể yếu, tê bì, mất cảm giác nửa người, không nói được , miệng méo, mắt nhắm không được hoặc hôn mê ngay sau đó, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động…
Nguyên nhân của đột quỵ là do có tổn thương mạch máu gây xuất huyết não hoặc nhồi máu não . Đột quỵ thường gặp ở những người trên 55 tuổi có tăng huyết áp . Đây là hiện tượng tắc mạch máu não và do chảy máu não bởi bệnh tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp có kèm theo xơ vữa động mạch. Khi xơ vữa động mạch thì thành của lòng động mạch bị dày lên, xù xì làm xơ cứng, hẹp lòng động mạch gây cản trở lưu thông dòng máu, và tạo điều kiện cho sự hình thành cục máu đông. Cục máu đông sẽ bị chặn lại những nơi mạch máu nhỏ gây tắc mạch. Các mảng xơ vữa động mạch cũng có thể bị bong ra và cũng gây nên tắc mạch ở những nơi lòng động mạch hẹp .
Bệnh nhân cao huyết áp dễ xảy ra đột quỵ do vỡ mạch máu não
Đột quỵ cũng có thể xảy ra nhiều hơn ở người bệnh vừa tăng huyết áp vừa có đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì hoặc có nghiện thuốc lá, nghiện bia, rượu, căng thẳng thần kinh . Vì vậy, khi những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến đột quỵ. Đây là một loại bệnh nặng, có tỉ lệ tử vong cao và nếu qua cơn nguy kịch thường để lại nhiều di chứng làm mất khả năng lao động, giảm trí nhớ, lú lẫn, liệt. Đáng nói là sự thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng bệnh xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, những bệnh nhân, vốn đã có những bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp khi nóng lạnh đột ngột xảy ra thì rất dễ rơi vào đột quỵ, nhất là ở người cao tuổi.
Triệu chứng của đột quỵ
Người đi lại hay hoạt động ngoài trời nắng, nếu bị đột quỵ sẽ có những biểu hiện như sau: người bệnh đột ngột mất ý thức, ngất; da nóng ran, cặp nhiệt độ cơ thể có thể lên tới 40 – 41oC hoặc cao hơn. Bệnh nhân đổ nhiều mồ hôi, da ẩm ướt, bại yếu nửa người, không cử động được, không đi lại được, không nói được hoặc khó nói, nói ngọng, không xác định được không gian và thời gian.
Một trường hợp đột quỵ kiểu khác là bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng như sau: bệnh nhân có các triệu chứng kiệt sức do nắng nóng như ra mồ hôi quá nhiều, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, nông, có khi đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, đau đầu, choáng váng hoặc ngất, mệt mỏi, bị chuột rút. Thân nhiệt tăng và kèm các triệu chứng: lú lẫn, mất thăng bằng, thở dốc, hơi thở yếu, choáng, ngất, chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, chuột rút (vọp bể), đái ít, sốt cao có khi tới 44oC, trụy mạch. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện tổn thương thần kinh như: li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ở người tăng huyết áp khi thấy hơi nhức đầu, choáng váng, tê nửa người, ngáp vặt liên tục thì cần cẩn thận, có thể là các dấu hiệu tiền triệu của đột quỵ. Vì vậy, triệu chứng của đột quỵ thường khởi đầu là nhức đầu, chóng mặt, mất định hướng, yếu một tay, một chân cùng phía, miệng méo, nhân trung lệch sang bên lành, nói khó. Nhiều trường hợp xảy ra đột ngột vào ban đêm cho nên bản thân người bệnh và người nhà không thể biết được, khi phát hiện thì đã hôn mê, đại, tiểu tiện không tự chủ. Biểu hiện lâm sàng do tắc mạch não hay do xuất huyết não rất khó xác định mà cần dựa vào tiền sử bệnh, các xét nghiệm cần thiết như X-quang sọ não, chụp CT não, nếu có điều kiện thì chụp cộng hưởng từ não.
Nguyên tắc sơ cứu và phòng bệnh
Nguyên tắc sơ cứu khi có triệu chứng đột quỵ
Khi có triệu chứng khởi đầu của đột quỵ xảy ra thì người nhà nên nới lỏng quần áo và để người bệnh nằm ở trên mặt phẳng, gối đầu cao khoảng 30 độ và ở tư thế nằm nghiêng để tránh nguy cơ bị sặc do các chất tiết ra từ miệng. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống gì hoặc uống bất kỳ một loại thuốc nào khi nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì bảo người bệnh thở thật sâu và đều vì sẽ giúp cho máu lên não tốt hơn. Và sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh đưa bệnh nhân đi xa vì thời gian di chuyển kéo dài càng làm cho tình trạng bệnh sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
Trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim (bắt mạch hoặc sờ không thấy tim đập) phải làm hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.
Cách hà hơi thổi ngạt: khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc sạch đờm dãi; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Cách ép tim ngoài lồng ngực: dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Nếu một người cấp cứu thì thổi ngạt 2 – 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 – 15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Đề phòng đột quỵ thì cần loại trừ các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và phòng ngừa tái phát đối với bệnh nhân bị đột quỵ. Người cao tuổi cần được khám bệnh định kỳ, đặc biệt là những người có bệnh về tăng huyết áp hoặc có kèm đái tháo đường hoặc kèm theo tăng mỡ máu. Cảnh giác với nóng, lạnh đột ngột. Mỗi lần dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để nhiệt độ khoảng từ 26 – 27oC là vừa. Không nên tắm nước lạnh quá và không nên tắm biển vào lúc đã hết mặt trời . Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để hạn chế xơ vữa động mạch như: hạn chế ăn mỡ động vật, ăn nhiều cá , ăn nhiều rau, uống đủ lượng nước hàng ngày . Người cao tuổi nếu nghiện thuốc lá mà cai được thì tốt, không nên lạm dụng bia, rượu, có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn mặn và hạn chế ăn tinh bột . Đối với bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu… để phòng đột quỵ thì nên điều trị theo đơn của bác sĩ khám bệnh nhằm duy trì huyết áp ở mức trung bình và thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý.
Theo Minh Ngọc