Tăng huyết áp là bệnh thuờng gặp và gia tăng theo tuổi, chiếm 8-12% dân số. Một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp như tiểu đường, thuốc lá, tăng lipid máu và di truyền.
Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề như liệt nửa người, hôn mê với đời sống thực vật, đồng thời có thể thúc đẩy suy tim, thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống (không cảm thấy khoẻ khoắn, mất khả năng lao động) và gia tăng khả năng tử vong.
Do đó việc điều trị huyết áp cao cần được quan tâm để tránh những tai biến nguy hiểm mà nó có thể gây ra.
Vậy tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là bệnh mãn tính trong đó áp lực máu hệ thống động mạch tăng cao.
Tăng huyết áp được phân loại thành nguyên phát hay thứ phát. Khoảng 90–95% số ca “tăng huyết áp nguyên phát”, dùng để chỉ các trường hợp không tìm thấy nguyên nhân gây tăng huyết áp (vô căn). Và chỉ có khoảng 5–10% số ca là tăng huyết áp thứ phát do các bệnh tại các cơ quan khác như thận, động mạch, tim và hệ nội tiết gây ra như suy thận mạn tính, hẹp động mạch thận, cường aldosteron nguyên phát, u tủy thượng thận và do uống thuốc ngừa thai
Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim và phình động mạch, ngoài ra nó còn là nguyên nhân gây ra suy thận mãn và biến chứng ở mắt. Tăng áp lực máu động mạch sẽ dẫn tới giảm tuổi thọ trung bình.
Khi nào gọi là tăng huyết áp?

Người ta thường dùng khái niệm huyết áp tâm thu (hoặc huyết áp tối đa) cho trị số huyết áp trên và huyết áp tâm trương (hoặc tối thiểu) cho trị số huyết áp dưới.

Khi trị số huyết áp tâm thu > 140mmHg và huyết áp tâm trương >90 mmHg được xem là tăng huyết áp. Đối với người có tuổi, dạng tăng huyết áp phổ biến là tăng huyết áp tâm thu đơn thuần tức là chỉ số huyết áp tâm thu >160mmHg nhưng huyết áp tâm trương không cao (<90mmHg)

Ngày nay nhờ tiến bộ về kỹ thuật chẩn đoán (máy đo huyết áp phổ biến rộng rãi) và ngày càng có nhiều loại thuốc điều trị ít tác dụng phụ, việc điều trị đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm đáng kể tử vong và các di chứng (liệt nữa người, suy tim) do tăng huyết áp gây ra.

Người bệnh tăng huyết áp cũng cần chấp nhận việc điều trị tốn kém lâu dài để đổi lấy một cuộc sống an toàn.
Huyết áp cao có nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm: tuổi tác, tiền sử gia đình, thừa cân béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, ăn mặn, căng thẳng, một số bệnh mãn tính (cholesterol cao, tiểu đường, bệnh thận và ngưng thở khi ngủ) và đôi khi mang thai cũng góp phần làm tăng huyết áp.
Mặc dù bệnh tăng huyết áp thường gặp nhất ở người lớn nhưng trẻ em cũng có nguy cơ. Ở một số trẻ, huyết áp cao là do vấn đề về thận hoặc tim. Nhưng đối với một số lượng lớn các trẻ, thói quen ăn uống không lành mạnh và thiếu tập thể dục góp phần làm tăng huyết áp.
Huyết áp không phải là con số hằng định

Trị số huyết áp có thể thay đổi khi có các yếu tố tác động như tâm lý (lo âu, sợ hãi, mừng vui…) vận động (đi lại, chạy nhảy) hoặc môi trường (nóng lạnh), chất kích thích (thuốc lá, cà phê, rượu bia) và bệnh lý (nóng sốt, đau đớn). Trong những trường hợp này không thể cho rằng bạn bị tăng huyết áp.
Để có trị số huyết áp trung thực nhất, bạn nên thực hiện do huyết áp trong trạng thái tinh thần thoải mái ở môi trường yên tĩnh. Cần lưu ý không uống cà phê, hút thuốc lá, không dùng các thuốc ảnh hưởng đến huyết áp (như thuốc chống sung huyết mũi) trước khi đo huyết áp.
Nhiều người chỉ nhận ra bản thân bị tăng huyết áp khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ hay khi bị tai biến mạch máu não. Tốt nhất, những người chưa bị tăng huyết áp nên thường xuyên kiểm tra huyết áp định kỳ và khi nghi ngờ tăng huyết áp thì cần đo huyết áp nhiều lần.

Biến chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng trên các cơ quan như: tim, não, mắt, động mạch ngoại biên. 
Biến chứng tức thời:
Có thể nguy hiểm đến tính mạng, gồm tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, bóc tách động mạch chủ, phù phổi cấp, suy thận cấp.

Biến chứng lâu dài:
Xảy ra nếu bệnh nhân sau một thời gian dài tăng huyết áp mà không được chẩn đoán và điều trị đúng. Biến chứng gồm: Rối loạn tiền đình, bệnh lý mắt, tim to, suy tim, đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim, suy thận mạn, đau cách hồi.

Các xét nghiệm cần làm khi bạn bị tăng huyết áp
Xét nghiệm cơ bản đối với tất cả các bệnh nhân:

  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Công thức máu toàn phần
  • Sinh hoá máu (kali, natri, creatinin, glucose, cholesterol toàn phần, HDL cholesterol)
  • ECG

Xét nghiệm tối ưu:

  • Độ thanh thải creatinine, vi đạm niệu, protein nước tiểu 24 giờ, calcium, axit uric, triglyceride lúc đói, LDL cholesterol, glycosolated hemoglobin, TSH,
  • Siêu âm tim.

Bệnh nhân trên 40 hoặc 50 tuổi có kèm theo nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch nên làm thêm ECG gắng sức để khảo sát mạch vành.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều là không rõ nguyên nhân, do đó ngoài việc điều trị bằng thuốc hạ áp phải lưu ý đến điều trị các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, tăng lipid máu, giảm ăn mặn, chế độ ăn kiêng hợp lý kết hợp tập thể dục đều đặn.
Người trẻ hoặc người quá già có tăng huyết áp cần lưu ý một số nguyên nhân mà việc điều trị can thiệp phẫu thuật có thể chữa trị khỏi hoàn toàn như hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận.
Điều trị tăng huyết áp

Mục đích của việc điều trị là nhằm phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra.
Bác sĩ của bạn sẽ kê thuốc điều trị cho bạn khi xem xét trị số huyết áp của bạn, huyết áp cao có ảnh hưởng tim, mắt, thận, não hay chưa cũng như các bệnh liên quan khác (tiểu đường, tăng mỡ trong máu.)
Điều trị huyết áp cao là điều trị suốt đời, do đó khi huyết áp đã trở về gần bình thường cũng không nên ngưng thuốc hạ áp mà phải điều trị tiếp tục vì huyết áp gia tăng trở lại khi ngưng thuốc. Cần tham vấn thường xuyên bác sĩ của bạn khi huyết áp quá cao hoặc quá thấp trong quá trình điều trị.
Việc điều chỉnh lối sống rất quan trọng trong việc điều trị tăng huyết áp: Giảm ăn mặn, giảm mỡ, giảm đường (nếu có tiểu đường), không uống quá nhiều bia rượu mặc dù uống với số lượng hạn chế cũng giúp có lợi cho sức khoẻ của bạn.
Tập thể dục đều đặn là cách thức giảm cân, hoạt động thể lực aerobic hàng ngày 30-45 phút hầu hết các ngày trong tuần.
Ngưng hút thuốc lá. Duy trì đời sống tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi giải trí hợp lý

Tập luyện thể dục để duy trì sức khỏe

Theo Quỳnh Chi

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Các bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
×
Đăng ký thành công
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x